Hội thảo - Chuyên đề
Bài viết được quan tâm
Bài viết được xem nhiều
Thư viện bài viết
Archives
Mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em là tình trạng rối loạn vận động lời nói có liên quan đến khiếm khuyết thần kinh ở não bộ. Trẻ mất điều khiển lời nói chủ ý gặp khó khăn khi phát âm để có lời nói rõ ràng và trôi chảy. Não của trẻ không đưa ra các tín hiệu đến các cơ vùng miệng để tạo ra lời nói chính xác. Điều này là do sự điều khiển hoặc phối hợp các vận động vùng miệng của não bị rối loạn. Mặc dù cơ vùng miệng không bị yếu hoặc liệt nhưng không vận động theo cách bình thường bởi vì khiếm khuyết vùng não chịu trách nhiệm lập kế hoạch vận động cho môi, lưỡi, hàm để tạo ra lời nói. Trẻ hiểu những điều trẻ muốn nói nhưng không nói rõ và chính xác được do những vấn đề đã kể trên.
Những dấu hiệu mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em
Tất cả các trẻ bị mất điều khiển lời nói chủ ý có rất nhiều dấu hiệu và đặc điểm tùy theo độ tuổi và độ nặng của rối loạn lời nói. Dưới đây là những dấu hiệu mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em.
Trẻ nhỏ 7 - 24 tháng tuổi
Không bập bẹ hoặc tạo âm thanh khi trẻ 7 - 12 tháng tuổi.
Nói những từ đầu tiên rất trễ (sau 12- 18 tháng tuổi).
Số lượng phụ âm và nguyên âm rất hạn chế.
Thường xuyên mất âm.
Khó khăn khi kết hợp các âm với nhau; trẻ ngừng lâu giữa các âm được phát ra và khó khăn khi chuyển từ âm này sang âm khác trong chuỗi lời nói.
Trẻ thay thế những âm khó bằng những âm dễ nói hơn hoặc bỏ các âm khó (tất cả trẻ em đều làm như vậy nhưng trẻ mất điều khiển lời nói chủ ý làm thường xuyên hơn).
Lời nói của trẻ khó hiểu.
Số lượng từ nói ra hạn chế.
Những đặc điểm trên xuất hiện rõ từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi
Trẻ lớn 2 - 4 tuổi
Tạo ra các lỗi âm lời nói không ổn định mà không phải do chưa hoàn thiện/ trưởng thành.
Biến dạng phụ âm và nguyên âm, lẫn lộn giữa luồng hơi đi qua mũi và miệng (ví dụ: “má” trở thành “bá”) hoặc âm hữu thanh và vô thanh (ví dụ: “đào” trở thành “tào”).
Bắt chước lời nói khó khăn nhưng những lời nói trẻ bắt chước rõ ràng hơn những lời trẻ tự nói.
Trẻ có thể dò dẫm khi cố gắng tạo ra các âm hoặc phối hợp vận động của môi, lưỡi, hàm có mục đích; vd: thổi, phồng má, liếm xung quanh môi.
Nói cụm từ ngắn dễ hơn và rõ ràng hơn khi nói cụm từ/câu dài.
Nói khó khăn khi trẻ lo lắng mệt mỏi.
Người lạ khó khăn khi hiểu lời nói của trẻ.
Giọng của trẻ đều đều, không có trọng âm hoặc rối loạn thanh điệu.
Ngôn ngữ hiểu của trẻ tốt hơn ngôn ngữ nói/ diễn đạt.
Những yếu tố nguy cơ khác.
Nhiều trẻ mất điều khiển lời nói chủ ý có thêm các vấn đề khác ảnh hưởng đến giao tiếp của trẻ. Những vấn đề này không phải là đặc điểm của mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em mà là những yếu tố kèm theo.
Chậm phát triển ngôn ngữ.
Chậm phát triển trí tuệ.
Khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt như ngữ pháp không theo cấu trúc, nhầm lẫn trật tự từ trong câu hoặc lượt bỏ từ, vốn từ hạn chế.
Khó khăn về vận động tinh hoặc phối hợp các vận động.
Có thể gặp khó khăn khi đọc, đánh vần và viết.
Tăng cảm giác (nhạy cảm) hoặc giảm cảm giác vùng miệng ( trẻ có thể không thích đánh răng, thức ăn cứng cần nhai, hoặc không cảm nhận được thức ăn trong miệng)
Nguyên nhân mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em
Trong tất cả các trường hợp không tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên có thể nghĩ đến một vài lý do:
Rối loạn di truyền hoặc các hội chứng khác.
Tổn thương não do chấn thương/đột quỵ.
Chẩn đoán mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em
Trẻ cần được đo thính lực bởi các chuyên viên thính học để loại trừ khiếm thính vì đó cũng là nguyên nhân gây ra khó khăn về lời nói của trẻ em.
Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ khám cho trẻ để xác định tình trạng mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em bao gồm: vận động vùng miệng, giọng nói, lời nói, các âm trẻ nói, ngôn ngữ tiếp nhận và diễn đạt để chẩn đoán và loại trừ các rối loạn lời nói khác hay các vấn đề ngôn ngữ kèm theo.
Âm ngữ trị liệu và các phương pháp can thiệp mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em
Để nói rõ ràng các âm lời nói, não của trẻ cần học cách lập kế hoạch để điều khiển các cơ vùng miệng phối hợp vận động với nhau tạo thành âm lời nói chính xác và trôi chảy.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em sẽ tiến bộ nhanh hơn khi điều trị 3 - 5 lần/tuần với chương trình tăng cường. Trẻ chỉ được điều trị cá nhân có khuynh hướng tốt hơn điều trị nhóm. Khi trẻ có cải thiện, thời gian điều trị giảm dần và trẻ tham gia điều trị nhóm sẽ tốt hơn. Mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em không thể có tiến bộ nếu không điều trị. Mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em không chữa hết hoàn toàn nhưng nếu can thiệp thích hợp, đều đặn thì trẻ sẽ có tiến bộ đáng kể.
Mục tiêu can thiệp mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em là tập trung vào cải thiện kế hoạch vận động, sự phối hợp vận động của các cơ tạo ra lời nói mạch lạc. Mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em là rối loạn sự phối hợp trong lời nói, không phải mất sức mạnh của cơ vùng miệng, do đó những bài tập môi, miệng, lưỡi đơn thuần để tăng cường sức mạnh cơ vùng miệng không giúp cải thiện lời nói.
Để cải thiện lời nói, trẻ phải thực tập lời nói thường xuyên. Tuy nhiên, sự phản hồi về một số giác quan như gợi ý sờ/chạm và gợi ý bằng thị giác (trẻ nhìn gương khi tập luyện) cũng như phản hồi thính giác rất hữu ích. Với các phản hồi đa chiều về giác quan, trẻ dễ dàng lặp lại các vần, từ, câu và cụm từ dài hơn để cải thiện sự phối hợp các cơ vùng miệng và chuỗi lời nói trong khi nói.
- Phương pháp cấu âm và âm vị trị liệu ( articulation and phonological therapy)
Giúp trẻ phát âm chính xác, tương tự như trị liệu cho trẻ rối loạn âm lời nói (nói ngọng)
- Hệ thống trị liệu gợi ý xúc giác (P.R.O.M.P.T. Therapy sytem)
Là một phương pháp dùng các kỹ thuật gợi ý xúc giác chạm vào môi, lưỡi, hàm của trẻ để giúp trẻ cảm nhận vị trí đặt lưỡi, môi, răng của một âm trong một từ.
- Chương trình Nuffield (Nuffield Dyspraxia Program-NDP3)
Phương pháp học kỹ năng vận động tập trung vào kỹ năng lập kế hoạch vận động và lời nói được tạo ra. Đây là phương pháp "bottom-up" với mục đích xây dựng lời nói chính xác từ các đơn vị âm thanh riêng lẻ của lời nói (âm vị) và vần. Cá chương trình vận động mới được thiết lập thông qua dùng gợi ý, phản hồi và thực hành thường xuyên các bài tập chuỗi lặp đi lại lại. Kỹ năng âm vị được kết hợp trong các phương pháp điều trị các cặp âm tối thiểu (minimal word pairs -Williams & Stephens, 2010).
- Công cụ hỗ trợ AAC (sách hình, Ipad, PECS, ngôn ngữ ký hiệu...)
Nếu trẻ nói rất khó khăn thì cần dùng các phương tiện hỗ trợ lời nói để trẻ giao tiếp. Khi lời nói được cải thiện, giảm dần sử dụng các công cụ hỗ trợ lời nói nhưng các công cụ hỗ trợ này cũng có thể dùng để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ lên mức cao hơn.
Ngoài ra còn có các chương trình trị liệu khác để can thiệp cho trẻ mất điều khiển lời nói chủ ý.
Chuyên viên âm ngữ trị liệu là những nhà lâm sàng rất am hiểu về tình trạng mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em. Do đó cha mẹ cần đưa trẻ mất điều khiển lời nói chủ ý đến gặp chuyên viên âm ngữ trị liệu để được tư vấn, khám và can thiệp kịp thời.
Cha mẹ giúp trẻ cải thiện tình trạng mất điều khiển lời nói chủ ý
Thực hành tại nhà vô cùng quan trọng, gia đình thường xuyên cho trẻ thực hành các bài tập để giúp trẻ tiến bộ và trẻ sử dụng các chiến lược mới ở ngoài phòng điều trị để đảm bảo được tiến bộ tối ưu nhất trong khi điều trị.
Điều trị mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em là một chiến lược dài hơi cần có thời gian và cam kết. Trẻ mất điều khển lời nói chủ ý cần môi trường hỗ trợ để trẻ tự tin và giao tiếp thành công. Với những trẻ có điều trị thêm về vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu, gia đình và các chuyên viên khác cần có lịch trình cụ thể để tránh làm trẻ mệt mỏi nhiều trước khi trẻ bắt đầu chương trình can thiệp với các chuyên viên âm ngữ trị liệu.
Lê Thị Thanh Xuân
Chuyên viên âm ngữ trị liệu - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, TP. Hồ Chí Minh
Nguồn bacsinoitru.vn