Hội thảo - Chuyên đề
Bài viết được quan tâm
Bài viết được xem nhiều
Thư viện bài viết
Archives
Mỗi khi mắc các bệnh cảm cúm, sổ mũi, viêm họng… chúng ta thường có thói quen tự kê toa hoặc sử dụng các loại thuốc kháng sinh thông qua các đơn thuốc cũ trước đây mà không thông qua ý kiến của bác sỹ, dẫn đến những sai lầm tai hại trong việc sử dụng thuốc kháng sinh.
Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách ( ảnh minh họa)
Theo báo cáo “Sử dụng kháng sinh và kháng sinh ở Việt Nam” công bố gần đây, nhiễm khuẩn vẫn là một bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh lại trở nên báo động. Báo cáo cũng phân tích một số sai lầm thường gặp của bệnh nhân, dẫn đến kháng kháng sinh như sau:
TỰ KÊ ĐƠN THUỐC
Việc sử dụng kháng sinh nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ, bởi ở trình độ của họ mới có thể xác định đúng bệnh, loại kháng sinh, liều dùng và thời gian uống. Trên thực tế, kháng sinh chỉ được dùng khi trẻ xác định bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng kháng sinh ngay khi gặp các triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho…
KÉO DÀI HAY RÚT NGẮN LIỆU TRÌNH
Sau thời gian dùng kháng sinh nhưng không cải thiện, nhiều người quyết định tự ý kéo dài thêm liệu trình, hoặc rút ngắn liệu trình khi tình trạng thuyên giảm mà không tái khám đúng hẹn. Không ít phụ huynh còn tự chữa bệnh cho con mình bằng toa thuốc của bé khác, dẫn đến bệnh trở nặng hơn.
“Việc không tuân thủ điều trị kháng sinh nói chung khiến bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, bị chứng đề kháng kháng sinh, làm tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện và phải đổi sang kháng sinh khác thường đắt tiền hơn”, ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 phân tích.
DÙNG LẠI KHÁNG SINH THỪA TỪ CÁC ĐỢT KÊ TOA TRƯỚC
Không ít bệnh nhân khỏi bệnh từ đợt kháng sinh trước, thấy thuốc có hiệu quả nên khi có những triệu chứng bệnh gần giống như vậy liền mang thuốc thừa ra dùng lại. Nguyên tắc là thuốc thừa nên được loại bỏ, không giữ lại để dùng cho lần sau.
KÊ TOA HOẶC UỐNG THUỐC CỦA NGƯỜI KHÁC
Tình trạng này được các chuyên gia y tế đánh giá là khá phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người thường uống thuốc theo kinh nghiệm của các “bác sĩ nhân dân”, khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau. Uống kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, góp phần vào tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, tình trạng đề kháng kháng sinh hay còn gọi nôm na là “lờn thuốc” của Việt Nam hiện đang nằm trong những nước cao nhất thế giới.
QUAN NIỆM KHÁNG SINH LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGẮN NGÀY KHÔNG HIỆU QUẢ
Trong khi nhiều bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị kháng sinh dài ngày thì số khác lại nghĩ rằng kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày không đủ thời gian để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Theo ThS. BS Trần Anh Tuấn, kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày đang là xu hướng điều trị nhiễm khuẩn, vì các lợi ích mang lại. Người bệnh sử dụng kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày (3 -5 ngày) thường dễ tuân thủ liệu trình, không bỏ ngang, mang lại hiệu quả điều trị tối đa.
“Sử dụng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày vẫn đủ khả năng khỏi bệnh hoàn toàn và tránh tái phát. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày cũng ít tốn kém chi phí hơn, hạn chế tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này”, ông nhấn mạnh.
Theo songkhoetoday.com